10
08-2023
Trong 7 tháng đầu năm 2023 doanh thu du lịch Đà Nẵng “bùng nổ”
Hoạt động du lịch của thành phố Đà Nẵng đang từng bước được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Trong 7 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống của thành phố này ước đạt 12.986 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ…
Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tính riêng tháng 7 năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.185,2 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 30,7% so với tháng cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tính riêng tháng 7 năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.185,2 tỷ đồng, tăng 6,3% so với tháng trước và tăng 30,7% so với tháng cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 1.012 tỷ đồng, tăng 32,4% cùng kỳ; lĩnh vực ăn uống ước đạt 1.173 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ.
Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 7 năm 2023 ước đạt gần 782 nghìn lượt, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 78,5% so với tháng cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 204,6 nghìn lượt, tăng 8,7% tháng trước và tăng 212,1% so với tháng cùng kỳ; khách du lịch trong nước ước đạt 577,2 nghìn lượt, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 54,9% so với tháng cùng kỳ năm 2022.
Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết, hoạt động du lịch Đà Nẵng đang từng bước được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Các sự kiện, lễ hội liên tục được tổ chức, góp phần tạo không khí sôi động, tươi mới thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 12.986 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 5.420 tỷđồng, tăng 70,3%; lĩnh vực ăn uống đạt 7.566 tỷđồng, tăng 23,5% so với cùng kỳnăm 2022.
Tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong 7 tháng đầu năm ước đạt 4.326,5 nghìn lượt, tăng 110,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế 1.144 nghìn lượt, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ; khách trong nước 3.182,8 nghìn lượt, tăng 66,7% so với cùng kỳ.
“Việc tổ chức trở lại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sau 3 năm tạm dừng vì dịch bệnh đã tạo nên không khí rộn ràng, sôi động cho thành phố trong những tháng đầu năm 2023”, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết thêm.
Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế – xã hội trên địa bàn đang dần ổn định, hoạt hoạt động thương mại – dịch vụ diễn ra sôi động với nhiều chương trình kích cầu, kết nối, xúc tiến thương mại được triển khai nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2023 ước đạt 11.695 tỷ đồng, tăng 6,8% so với tháng trước; tăng 21,0% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 72.752 tỷ đồng, tăng 22,0% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 39,5%; du lịch lữ hành tăng 162,8%.
Mặc dù doanh thu từ du lịch và bán lẻ hàng hóa của thành phố Đà Nẵng đang có mức tăng trưởng tích cực, tuy nhiên theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, hoạt động bán buôn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu.
Tổng mức bán buôn hàng hóa tháng 7/2022 ước đạt hơn 11.903,5 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước nhưng giảm 9,5% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng mức bán buôn hàng hóa ước đạt 74.597 tỷ đồng, giảm 14,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số nhóm hàng có doanh thu giảm mạnh như nhiên liệu khác không phải xăng, dầu (-26,6%); phân bón, thuốc trừ sâu (-26,3%); ô tô các loại (-23,7%); phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) giảm 21,9%…
Lý giải nguyên nhân, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho biết, đối với một số nhóm ngành như nhóm ngành ô tô các loại, do quý 3 năm 2022 được xem là đỉnh của tăng trưởng sau một thời gian dài hoạt động kinh tế bị đình trệ bởi dịch Covid. Năm nay, khi tình hình kinh tế gặp phải khó khăn kéo dài, nhu cầu chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu bị cắt giảm, dẫn đến một số nhóm hàng có sự sụt giảm mạnh.
Dù vậy, trong hầu hết các nhóm hàng đều có mức giảm sâu thì duy nhất có nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục đạt mức tăng trưởng dương với mức tăng khá ấn tượng với mức tăng 62,5%.